Nhà báo Lương Hoàng Hưng-người kiến tạo hệ sinh thái về golf

Ngày đăng: 04:52 PM 23/04/2020 - Lượt xem: 1496

Nhà báo Lương Hoàng Hưng với 30 năm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông tại các cơ quan báo chí lớn như Sài Gòn Giải Phóng, Giáo dục, Thương mại,... và hiện là Tổng Biên tập Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo. Bên cạnh đó, ông còn hỗ trợ hoạt động cho nhiều tổ chức, tạo được hiệu ứng xã hội tốt như cố vấn Quỹ Phát triển Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam, Viện Khởi nghiệp thực tế, Viện Doanh nhân Việt Nam, Câu lạc bộ Doanh nhân và Quản trị, Group Quản trị và Khởi nghiệp, Câu lạc Doanh nhân Khánh Hòa - Sài Gòn, Vietnam Golf club, Golf Việt,...

 

Nhà báo Lương Hoàng Hưng

 

PV: Cơ duyên nào đưa ông đến với môn thể thao golf còn nhiều lạ lẫm ở Việt Nam thưa ông?

Nhà báo Lương Hoàng Hưng: Ngày trước, tôi thường xuyên tham gia các môn thể thao như bóng đá, tennis để rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, các môn này đều đỏi hỏi sự linh hoạt, phản xạ, di chuyển nhanh và phối hợp. Khi đã có tuổi, tôi muốn tìm một môn thể thao thích hợp với sức khỏe hơn. Và trong một lần trò chuyện với bạn bè, tôi được khuyên nên thử qua bộ môn golf. Tò mò về sự lý thú trên sân golf theo lời chia sẻ của người bạn, nên tôi quyết định trải nghiệm.

Ban đầu, tôi dành các buổi cuối tuần để tập luyện với huấn luyện viên. Khi đã thành thạo về luật golf, các loại gậy golf và các kĩ thuật cơ bản thì tôi ra sân cỏ chơi. Phải nói rằng, chơi golf ở sân có cỏ xanh bao la, lốm đốm những bông hoa đỏ vàng, bầu trời xanh ngắt, gió từ hồ nước thổi man mát khiến tôi vô cùng phấn khích.
 

Nhà báo Lương Hoàng Hưng trên sân golf
 
Sau khi “dấn thân” vào golf thì tôi đã hiểu vì sao nhiều người lại đam mê nó đến vậy. Cái cảm giác vượt qua bẫy cát, cứu bóng ở vị trí khó hay sau các cú đánh rất thẳng và xa... thật sự rất thú vị. Khi chơi golf, tôi có nhiều thời gian để tính toán, cân nhắc, thử gậy. Và sau mỗi cuộc chơi, tôi thường nghĩ về từng đường bóng, từng tình huống để mong rút kinh nghiệm cho lần sau. Nhưng bạn biết đấy, golf rất đa dạng, mỗi lần bạn chơi là mỗi khác. Bất kể có chơi đi chơi lại trên cùng một mặt sân đi chăng nữa thì cũng hiếm khi nào bạn chơi 2 lần một lỗ theo cùng một kịch bản. Chính vì vậy, hầu như không thể rút kinh nghiệm được mà chỉ có thể cho mình cảm giác bóng tốt hơn. Có lẽ, đây cũng là lý do golf có sức hút mạnh với giới doanh nhân và những người thành đạt.

PV: Khi mới tiếp cận với môn thể thao này, ông có gặp khó khăn gì không như về luật, dụng cụ, thời gian, tài chính,...?

Nhà báo Lương Hoàng Hưng: Golf là một môn thể thao đặc biệt, bởi người chơi sẽ tự đóng vai trọng tài, tự tính điểm của mình và tự đưa ra hình phạt nếu phạm luật. Chính vì vậy, golf đòi hỏi người chơi phải có tính trung thực và đặc biệt là phải hiểu rõ luật golf. Tuy nhiên, luật golf rất phức tạp và hầu như rất ít sách luật bằng tiếng Việt, cũng không có những lớp dạy cơ bản về luật, hướng dẫn luật. Đây có lẽ là điều khó khăn nhất nên bạn phải tìm hiểu qua các cuộc chơi golf với những người am hiểu nhiều về golf.
 

Những cảm xúc trên sân golf

 
Còn về thời gian, tôi luôn cố gắng sắp xếp để khớp với bạn, bởi chơi golf không thể chơi một mình, tối thiểu phải là 2 người (thông thường 4 người chơi chung). Về tài chính, hiện nay các sân golf và các CLB cũng có nhiều ưu đãi cho các golfer, chi phí cũng vừa phải, mỗi tháng tôi có thể ra sân 2 đến 3 lần chơi. Về lựa chọn gậy thích hợp thì tôi được sự hỗ trợ của những người bạn có chuyên môn cao và kinh nghiệm.

PV: Người ta thường nói rằng, golf không đơn thuần là một môn thể thao, ông nghĩ thế nào về điều này?

Nhà báo Lương Hoàng Hưng: Đúng vậy! Giá trị mà golf mang lại thật sự rất nhiều. Trước tiên, golf giúp người chơi thoát khỏi những bức xúc và căng thẳng của cuộc sống thường nhật. Bạn có thể đắm chìm vào cuộc chơi golf trong khoảng 4 giờ 30 phút, tận hưởng sự trong lành của thiên nhiên. Bên cạnh đó, tại sân golf, bạn sẽ dễ dàng tìm kiếm và thắt chặt tình bằng hữu. Tôi đã từng chơi golf với những người hoàn toàn xa lạ nhưng rồi chỉ sau 18 hố golf, chúng tôi đã có thể ngồi lại cùng uống một ly thân mật và trở thành bạn bè.

Đặc biệt, sân golf thường xuyên xuất hiện bóng dáng của những doanh nhân, chính trị gia, vì vậy không cần đặt lịch hẹn bạn vẫn có thể gặp được họ một cách tình cờ. Và thời gian chơi golf cũng tương đối dài, bạn có thể trao đổi, tìm hiểu thêm những vấn đề mới mẻ. Thực tế đã chứng minh, có nhiều thương vụ kinh doanh đàm phán thành công ngay trên sân golf.
 

Sải bước trên sân

 

PV: Ông có nhận xét về chất lượng sân golf ở Việt Nam?

Nhà báo Lương Hoàng Hưng: Việt Nam có khoảng gần 55 sân golf đã đi vào hoạt động và một sân khác đang hoàn thiện. Bản thân tôi đã được trải nghiệm trên các sân ở Hà Nội, Thanh Hóa, Nha Trang, TP.HCM, Đồng Nai, Đà Lạt... Đa số sân golf được thiết kế hiện đại, đa dạng về địa hình, môi trường, khí hậu và cảnh quan thiên nhiên đều tốt. Hiện nay, nước ta có 32 sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế: Tân Sơn Nhất, King’s Island Golf, Vinpearl Golf Club, Laguna Lăng Cô Huế, Sea Links Golf & Country Club, DaLat Palace, chuỗi sân golf thuộc FLC Group.... Trong hai năm liên tiếp 2017 và 2018, tạp chí Asia công nhận Việt Nam là “Điểm đến du lịch golf hấp dẫn nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”. Điều đó đủ để thấy rằng Việt Nam là thị trường golf tăng trưởng rất mạnh mẽ.
 
Điều khiến tôi trăn trở chính là các golfer thường đến các sân golf địa phương, lượng người chơi đến các sân golf tuyệt đẹp ở vùng xa thì còn hạn chế. Tuy nhiên, tôi tin rằng xu hướng này sẽ thay đổi khi số lượng người chơi golf tại Việt Nam tăng lên và các tour du lịch về golf nước ngoài về đang có xu hướng phát triển.

PV: Ông đánh giá như thế nào về số lượng người Việt Nam chơi golf?

Nhà báo Lương Hoàng Hưng: Theo tôi được biết, tính tới tháng 6/2019, Việt Nam có khoảng 40000 người chơi. Tuy nhiên, số lượng golfer chơi thường xuyên chỉ chiếm khoảng 30%. Điều này dễ hiểu vì golf không phải là môn thể thao đại chúng, ngay cả với những nước có nền kinh tế phát triển. Nhưng tôi tin rằng, golf sẽ đạt đến sự bùng nổ ở Việt Nam trong thời gian không xa vì ở Việt Nam kinh tế đang phát triển rất nhanh sẽ kéo theo phát triển môn thể thao này.

PV: Theo ông, Việt Nam cần làm gì để đưa golf Việt Nam hội nhập cùng quốc tế, và vì sao ông muốn hình thành một hệ sinh thái về golf?

Nhà báo Lương Hoàng Hưng: Theo tôi, nếu Việt Nam muốn ngành công nghiệp golf phát triển thật sự thì cần phải có nhiều sân tập trong thành phố, sân golf cũng phải gần cộng đồng dân cư để tiện việc đi lại. Bên cạnh đó, cần có các lớp dạy phổ cập với chi phí thấp hoặc phải tăng cường quảng bá và truyền thông qua các kênh truyền hình, các website bằng tiếng Việt cho môn golf. Những trang thông tin này cần xen kẽ giữa hướng dẫn luật golf, kỹ thuật golf và đưa thông tin về các giải đấu.
 

Chia sẻ với cộng đồng

 

Việc thứ ba cần làm là mở các điểm dạy golf thu hút người chơi mới. Ngoài những cái tên quen thuộc như Học viện Golf Hà Nội, The Els Performance Golf Academy, Golf Biomechanics SGA, Bình Minh Golf Academy... thì cần có nhiều hơn nữa các học viện và trường dạy học golf. Tiếp đó, chúng ta đi theo xu hướng chung của toàn cầu, tạo nhiều chương trình golf cho thanh niên, đặc biệt là trong trường học, với giá thấp hơn cho trẻ em.

Về mặt tổng thể, tôi đang cùng một số anh em có chuyên môn cao và năng lực tài chính trong lĩnh vực golf để thiết lập một hệ sinh thái về golf. Trong đó sẽ tạo một quy trình để thúc đẩy phát triển và phổ thông hóa golf ở Việt Nam như: Đẩy mạnh truyền thông (cổng thông tin Golf Việt); kết nối cộng đồng thông qua các câu lạc bộ golf (Vietnam Golf Club); phần mềm nền tảng tích hợp quản lý, hỗ trợ book sân và tính handicap S-Golf; phối hợp với các sân golf để xây dựng học viện đào tạo Golf; tạo sàn giao dịch thương mại điện tử về dụng cụ chơi golf (Golf Smile),… Mục tiêu của chúng tôi, trong tương lai gần, chúng ta cần gia tăng lượng người tham gia môn golf ở Việt Nam lên khoảng 200 ngàn người.

Điểm cuối cùng, golf cần tăng cường gắn kết với du lịch. Việt Nam là quốc gia hội tụ đầy đủ những điều kiện cần thiết để phát triển ngành du lịch golf nhưng hiện nay chưa được phát triển đúng tầm. Bằng cái nhìn khách quan, chúng ta có thể thấy rằng du lịch golf còn nhiều lỗ hổng như việc liên kết giữa công ty lữ hành với chủ sân golf còn hạn chế, nên tour golf tỷ lệ còn thấp. Ngoài ra, Việt Nam chưa liên kết các loại hình du lịch khác như MICE, tàu biển, nghỉ dưỡng, Caravan... Chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao và thiếu hụt các giải đấu golf chuyên nghiệp.

Để “khai mở” thị trường du lịch golf, tôi nghĩ tổ chức các trận golf cần có tính kết nối cao hơn, hợp tác giữa những người có chung mục đích. Tôi lấy ví dụ, tại Thái Lan, hội chợ du lịch golf thường xuyên được tổ chức. Đây là nơi gặp gỡ, hợp tác giữa các nhà lữ hành, các đơn vị vận hành sân golf, khu nghỉ dưỡng... nhằm mang đến dịch vụ golf trọn gói, chất lượng.

PV: Cảm ơn ông về buổi trò chuyện ngày hôm nay!
 
Theo Baosuckhoecongdong.vn
Facebook