Ứng viên Phó Chủ tịch VFF: Blockchain giảm thiểu tiêu cực trong bóng đá

Ngày đăng: 02:22 PM 14/09/2019 - Lượt xem: 824

Trước thềm Đại hội VFF khóa VIII vào đầu tháng 5 tới, PV Báo điện tử Infonet có dịp phỏng vấn ông Lương Hoàng Hưng,Tổng biên Tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo, người ứng cử chức vụ Phó chủ tịch truyền thông VFF khóa VIII theo đề cử của Liên đoàn bóng đá tỉnh Long An.

 

Ông Lương Hoàng Hưng, Tổng biên tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo

(ứng cử viên tranh cử chức vụ Phó chủ tịch truyền thông VFF khoá VIII)

cho rằng, cần ứng dụng công nghệ Blockchain vào quản lý bóng đá để giảm tiêu cực.

 

- Trước kỳ Đại hội VFF khoá VIII vấn đề nhân sự đang rất “nóng”, ông nghĩ gì khi được đề cử để ứng cử vào vị trí người phụ trách truyền thông VFF?

 

 Đã trải qua 7 nhiệm kỳ nhiều sóng gió, bây giờ là lúc lãnh đạo của VFF khóa VIII sắp tới cần bắt chặt tay nhau hơn, cùng nhìn về hướng để tạo sự đồng thuận trong các tổ chức thành viên của Liên đoàn. Bóng đá Việt Nam cần thay đổi, mà thay đổi quan trọng nhất trong thời gian sắp tới có lẽ là cải cách bộ máy lãnh đạo Ban chấp hành theo hướng phục vụ bóng đá. Cần qui tụ các nhân vật có tâm và đủ tầm để gánh vác bộ máy VFF, cũng như cần những người làm chiến lược, từ đó giúp bóng đá nội phát triển một cách xuyên suốt.

Đối với tôi, với gần 30 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí và truyền thông, tôi tự tin kinh nghiệm, trí tuệ của mình đảm nhận được vị trí này để làm giảm độ “nóng” hiện nay của bóng Việt Nam.

 

- Ông có thể chia sẻ vai trò của báo chí truyền thông đối với bóng đá?

 

Báo chí không chỉ đóng vai trò tuyên truyền, quảng bá mà còn giúp VFF kiểm chứng các hành động của mình, là kênh thông tin quan trọng giúp phát hiện tài năng trẻ, hun đúc tình yêu bóng đá, niềm tự hào dân tộc như sự kiện U23 vừa qua.

Ngoài ra, bóng đá Việt Nam vẫn đang còn tồn tại một số tiêu cực, chính báo chí đã giúp liên đoàn rất nhiều trong việc đấu tranh chống các hình thức tiêu cực trong bóng đá.

 

- Ứng viên tranh cử các vị trí chủ chốt của VFF cần phải có đề án cụ thể, ông nghĩ sao về việc này?

 

Không chỉ riêng bóng đá, mà các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội cũng cần phải làm như vậy, các ứng viên cần phải lập đề án cụ thể để nêu rõ chiến lược, kế hoạch và hành động cụ thể của mình sẽ làm gì cho bóng đá, giúp bóng đá phát triển. Và đó cũng là căn cứ, thước đo để để đánh giá tính hiệu quả trong suốt nhiệm kỳ, so sánh sự thay đổi so với các nhiệm kỳ trước và sau này. Thậm chí cần phải công khai, công bố các đề án đó để mọi người dân được biết.

 

- Vậy, ông có thể chia sẻ về kế hoạch, hành động của ông nếu trúng cử vị trí Phó chủ tịch phụ trách truyền thông VFF?

 

Ngoài các công cụ truyền thống, tôi sẽ ứng dụng triệt để hơn nữa để đưa công nghệ thông tin và truyền thông vào hoạt động quảng bá, tuyên truyền và quản lý vận hành tại VFF. Từ đó xây dựng và phát triển một hình ảnh hoàn toàn mới và chuyên nghiệp cho bóng đá nước nhà. Không chỉ là đẩy mạnh truyền thông, tôi sẽ đưa ra giải pháp ứng dụng công nghệ blockchain vào quản lý để giảm tiêu cực, tăng tính minh bạch và tối đa hóa hiệu quả quản lý cho các hoạt động của VFF.

 

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, vấn đề “minh bạch” và ‘sạch” đang làm “nóng” dư luận”.

 

Như bạn biết, các đội tuyển quốc gia khác ở châu Á đã “khởi động” vấn đề này cách đây khoảng 10 năm. Một số quốc gia Đông Nam Á đã bắt đầu hệ thống hóa các đội bóng của họ cách đây nhiều năm. Bây giờ, đi đâu cũng nghe nói đến cuộc cách mạng công nghệ 4.0, mà người làm truyền thông ở VFF yếu mảng này thì khó có thể đảm đương tốt nhiệm vụ.

 

Tôi ví dụ, chỉ cần một ứng dụng trên “Smartphone”, người hâm mộ sẽ nắm rõ tình hình các đội tuyển bóng đá quốc gia, các giải thi đấu bóng đá quốc gia, các thông tin về VFF… như vậy sự lan tỏa sẽ tốt hơn rất nhiều.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo: Minh Thư - infonet.vn

Facebook